Đội ngũ tại ArentFox Schiff đã xem xét 9 vấn đề pháp lý cấp bách nhất đối với các doanh nghiệp trong năm 2023.
1. Quy định về Token chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã đề ra chiến lược phát triển luật cho NFT và các loại token khác thông qua hoạt động hành pháp tích cực thay vì xây dựng quy tắc hoặc ban hành hướng dẫn.
Chủ tịch SEC Gary Gensler đã liên tục khẳng định, nhiều loại token giao dịch trên các nền tảng đang đáp ứng đúng định nghĩa về “chứng khoán”, do đó chúng sẽ nằm trong phạm vi quy định của SEC.
Gần đây, Tòa án Quận New Hampshire (Mỹ) đã đưa ra phán quyết tóm tắt của SEC rằng LBRY, Inc. đã cung cấp và bán token kỹ thuật số gốc của mình, LBRY Credits (LBCs), vi phạm Mục 5 của Đạo luật Chứng khoán Liênbang năm 1933.
Nhìn chung lập trường diều hâu của SEC cùng với sự không chắc chắn về quy định có thể ngăn cản nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thị trường. Kết quả của vụ kiện tụng đang chờ xử lý, bao gồm vụ kiện chống lại nhà phát triển NFT, Dapper Labs, đồng thời các thỏa thuận thực thi trong tương lai giữa SEC và các nhà phát hành token có thể mang lại một số sự rõ ràng cần thiết về quy định.
2. Quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu
Metaverse, Blockchain, AR và VR đang làm cho việc bảo vệ thương hiệu ngày càng trở nên phức tạp. Chủ sở hữu thương hiệu đang gặp trở ngại do những hạn chế của các công cụ thực thi IP trực tuyến như DMCA và Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP) của ICANN.
Để các công nghệ này phát triển, các tiêu chuẩn và chính sách rõ ràng cần được ban hành để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm gian lận cho người dùng. Năm 2023 có thể là thời điểm then chốt.
Ngoài ra, chủ sở hữu thương hiệu nên chủ động bổ sung đăng ký IP và danh mục đầu tư của họ để thiết lập quyền sở hữu trên các nền tảng ảo và hệ sinh thái Web3, cũng như chống lại các loại vi phạm bản quyền mới có tiềm năng xảy ra.
Lực lượng đặc nhiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ (AFS) đang hướng tới một hệ sinh thái Web3 dành cho người sáng tạo nội dung, nhà phát triển, thương hiệu, người dùng và nền tảng, đồng thời tiếp tục theo dõi các phát triển chính của thị trường và các biện pháp quản lý tối ưu nhất.
3. Đánh thuế đối với Metaverse
Nhiều doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các khoản nợ thuế và nghĩa vụ tuân thủ trong thế giới thực, ngay cả khi các giao dịch xảy ra trong Metaverse. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có hướng đi mới trong bối cảnh công tác thuế ngày càng trở nên phức tạp khi các tiểu bang tại Mỹ và các quốc gia trên toàn cầu tìm cách đánh thuế các giao dịch trên Metaverse.
Các doanh nghiệp phải xem xét một loạt các hậu quả về thuế chưa rõ ràng. Ví dụ: một buổi hòa nhạc trong Metaverse có thể phải chịu thuế ở khu vực pháp lý nào – nơi buổi hòa nhạc được biểu diễn hoặc nơi khán giả xem? Hoặc việc bán NFT có thể phải chịu thuế bán hàng hoặc thuế giá trị gia tăng tại khu vực pháp lý nơi NFT được giao dịch hay không và câu trả lời nên phụ thuộc vào việc bán là bán lần đầu hay bán lại?
Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trên Metaverse có thể phải đối mặt với những thách thức bổ sung trong việc tìm cách điều hướng các quy tắc thuế khấu lưu phức tạp, các vấn đề tuân thủ và các yêu cầu báo cáo thông tin. Mặc dù các cơ quan thuế chậm chạp trong việc đưa ra hướng dẫn, nhưng doanh nghiệp không nên bỏ qua những vấn đề thuế có thể xuất hiện khi bước chân vào Metaverse.
4. Tổ chức tự trị phi tập trung DAO
Các tổ chức tự trị phi tập trung DAO đang xuất hiện ngày càng nhiều trên hệ sinh thái Web3. Tuy nhiên vẫn còn những câu hỏi quan trọng về tính pháp lý của các tổ chức này cũng như trách nhiệm pháp lý của các thành viên trong tổ chức.
Mặc dù các quyết định hành pháp gần đây của CFTC đối với Ooki DAO dường như đã giải quyết được vấn đề liệu DAO có thể bị khởi kiện hay không, nhưng vẫn phải xem liệu DAO có thể chịu trách nhiệm pháp lý theo luật hàng hóa liên bang hay không.
Hành động đối với Ooki DAO có thể dẫn đến nhiều DAO khác được hình thành mà không có các cấu trúc pháp lý chính thức, đồng thời lo ngại việc dựa hoàn toàn vào tính phi tập trung thay vì các quy định hợp pháp có thể khiến các thành viên trong DAO phải chịu trách nhiệm pháp lý trước các quyết định của DAO.
5. Điều gì tạo ra các nguyên tắc sử dụng NFT hợp lý
Những thách thức pháp lý quan trọng đối với NFT Vault của StockX (Nike) và NFT METABIRKINS (Hermès) có thể làm rõ các nguyên tắc pháp lý chính được áp dụng cho toàn hệ sinh thái NFT và Web3.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: NFT có phải chỉ đơn thuần là một phương tiện để xác thực và theo dõi nội dung siêu dữ liệu cơ bản? Một số cách sử dụng NFT hoặc các ứng dụng khác của công nghệ blockchain có thể chuyển đổi siêu dữ liệu hay nội dung cơ bản để hỗ trợ phát hiện các vi phạm không? Các nguyên tắc pháp lý truyền thống có được áp dụng trong hệ sinh thái công nghệ mới này hay đòi hỏi phải xem xét lại các nguyên tắc pháp lý truyền thống.
6. Tuân thủ quyền riêng tư dữ liệu
Không còn nhiều thời gian để đảm bảo các chính sách bảo mật sẽ bắt kịp các luật mới nhất. Tại Mỹ, luật của bang California và Virginia có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, và các bang như Colorado và Connecticut sẽ đến sau đó.
7. Một số góc khuất đen tối
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) gần đây đã công bố khiếu nại trị giá 520 triệu USD chống lại công ty Epic Games liên quan đến thiết kế Fortnite và các hoạt động bảo mật. Đơn khiếu nại cáo buộc Epic đã sử dụng các chiến thuật thiết kế lừa đảo hoặc gây hiểu lầm – cái mà FTC gọi là “mô hình đen tối” – để tăng doanh thu.
Ví dụ: không yêu cầu chủ thẻ tín dụng xác nhận danh tính của họ trước khi tính phí được lưu trữ cho các giao dịch mua tiếp theo, đồng thời sử dụng các quy trình thanh toán khó hiểu và không nhất quán.
8. Các loại Chatbox
Nửa cuối năm 2022 chứng kiến một làn sóng kiện tụng tập thể theo luật chống nghe lén của tiểu bang tại Mỹ, nhằm chống lại các nhà điều hành website sử dụng các công nghệ trực tuyến được triển khai rộng rãi, như chatbox và phần mềm session replay. Bất kỳ trang web hoặc nền tảng nào có chatbox hoặc tính năng trò chuyện đều tiềm ẩn rủi ro.
9. Nâng cao giáo dục và phát triển chuyên môn
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến các trường học và nơi làm việc. Ba năm trôi qua, nhiều sinh viên người lao động vẫn đang học và làm việc từ xa. Việc học từ xa cùng với các thiết bị và ứng dụng AR/VR được đánh giá có thể mang lại những lợi thế đáng kể so với trải nghiệm học tập dựa trên máy tính và Zoom trong thời kỳ đại dịch.
Các nhà phát triển cũng có thể mở ra cánh cửa cho những trải nghiệm mới mà trước đây không thể thực hiện.
Ví dụ: thay vì cuộc họp với đồng nghiệp trên toàn cầu, hãy tưởng tượng đeo tai nghe VR và gặp họ trong một trung tâm hội nghị ảo. Thay vì đọc về nền dân chủ Athen, hãy tưởng tượng một nhóm sinh viên tham gia một chuyến tham quan ảo đến Acropolis.
Các trường hợp sử dụng này có thể chứng minh vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Metaverse, Tuy nhiên các vấn đề như khả năng mở rộng và truy cập, bảo mật dữ liệu, tính minh bạch cũng vô cùng quan trọng.
Tóm lại, những tầm nhìn đầy tham vọng của Metaverse miêu tả các tương tác liền mạch giữa người dùng, thiết bị đeo, và các chương trình phần mềm thực tế tăng cường, thường phải thông qua trợ lý ảo được kích hoạt bằng giọng nói. Việc phát hành các chương trình trí tuệ nhân tạo như ChatGPT vào cuối năm 2022 cho thấy con người có thể biến những tầm nhìn lớn thành hiện thực.
ChatGPT và một số nền tảng tương tự có thể phát triển thành các trợ lý giọng nói như Siri và Alexa, giúp tương tác với phần mềm và các thiết bị điện tử trở nên liền mạch, đồng thời giúp Metaverse trở nên dễ tiếp cận hơn.
PCB Tổng hợp