Voyager Digital là cái tên tiếp theo trong các doanh nghiệp CeFi tiếp xúc với quỹ đầu tư Three Arrows Capital (3AC) nộp đơn xin phá sản.
Vài ngày sau khi thông báo tạm dừng giao dịch rút tiền và gửi tiền, sàn giao dịch tiền điện tử Voyager Digital đang nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 tại Tòa án Quận phía Nam bang New York.
Hồ sơ phá sản của Voyager theo Chương 11 chỉ ra công ty đang ôm khoản nợ trị giá từ 1 tỷ USD đến 10 tỷ USD tài sản, với hơn 100.000 chủ nợ.
Trong một tuyên bố, Voyager giải thích động thái này là một phần của “Kế hoạch tái cấu trúc”. Khi được triển khai, kế hoạch sẽ cho phép khách hàng truy cập lại vào tài khoản của họ và Voyager sẽ “trả lại giá trị cho khách hàng”.
CEO của Voyager, Stephen Ehrlich, tuyên bố trên một tweet ngày 6/7 rằng ông cảm thấy Chương 11 là con đường tốt nhất cho khách hàng khi đã xem xét tất cả các yếu tố. Ông đảm bảo động thái này sẽ bảo vệ tài sản trên nền tảng và Voyager sẽ tiếp tục hoạt động trở lại.
Theo kế hoạch đề xuất của công ty, khách hàng có tiền điện tử trong tài khoản sẽ được nhận về tiền điện tử trong tài khoản của họ, tiền thu hồi tài sản từ Three Arrows Capital, cổ phần phổ thông trong công ty mới được tái cấu trúc và thẻ Voyager.
“Kế hoạch dự tính đưa ra cơ hội để khách hàng chọn tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông và tiền điện tử mà họ sẽ nhận được, tuân theo các ngưỡng tối đa nhất định”, đề xuất nêu rõ.
Khách hàng có tiền gửi bằng USD trong các tài khoản cá nhân sẽ nhận được quyền truy cập vào các khoản tiền đó sau khi hoàn tất quá trình đối chiếu và ngăn chặn gian lận với Ngân hàng Thương mại Metropolitan.
Voyager nói rằng một phần của quá trình tái cấu trúc sẽ chứng kiến công ty đưa ra các hành động “First Day” để cho phép công ty duy trì hoạt động như bình thường.
Mặc dù các giao dịch gửi tiền, rút tiền và phần thưởng dành cho khách hàng thân thiết đang bị đình chỉ, tuy nhiên Voyager dự định sẽ trả lương cho nhân viên theo cách thông thường và tiếp tục bảo vệ các lợi ích của công ty cũng như các chương trình dành cho khách hàng sẽ không bị gián đoạn.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Voyager đang gặp phải những khó khăn là khi nền tảng này ký hợp đồng vay 500 triệu USD với công ty thương mại Alameda Research để bù đắp các khoản lỗ do tiếp xúc với công ty đầu tư mạo hiểm tiền điện tử 3AC.
Một ngày sau sự kiện trên, Voyager đã siết giới hạn rút tiền hàng ngày xuống còn 10.000 USD và sau đó, ngày 1/7, công ty thông báo sẽ tạm ngừng giao dịch, gửi tiền, rút tiền và phân phối phần thưởng cho khách hàng thân thiết.
Công ty con là Voyager Digital LLC đã thông báo quỹ đầu tư 3AC hiện không hoàn trả được các khoản vay bao gồm 15.250 Bitcoin (BTC) và 350 triệu USD Coin (USDC).
Mặt khác, Three Arrows Capital đang trải qua thủ tục phá sản theo Chương 15 và bị toà British Virgin Islands thông báo buộc phải thanh lý , điều này cho thấy rất khó để Voyager có thể thu hồi số tiền đã cho vay.
Theo Cointelegraph