Trong bối cảnh chính phủ áp đặt các quy định nghiêm ngặt về giao dịch tiền mã hoá, người dùng Trung Quốc đang tận dụng mạng lưới môi giới và trung gian ngầm để ‘lách’ những quy định pháp lý nghiêm ngặt.
Trung Quốc, một trong những quốc gia có lập trường cứng rắn nhất đối với tiền mã hoá, đã cấm giao dịch toàn diện đối với loại tài sản này từ năm 2021. Các biện pháp trừng phạt và bắt giữ người tham gia khiến các sàn giao dịch lớn như Binance, Huobi lần lượt phải chuyển đến nơi khác.
Mặc dù chính quyền kiên quyết thực hiện chính sách cấm, nhưng các nhà giao dịch vẫn tìm cách né tránh thông qua sự kết hợp giữa công nghệ che giấu vị trị, lợi dụng biện pháp kiểm soát lỏng lẻo và thực hiện những cuộc trao đổi bí mật ở nơi công cộng.
Theo số liệu từ công ty phân tích blockchain Chainalysis, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, các nhà giao dịch Trung Quốc đã thu về khoảng 86 tỷ USD tiền mặt từ hoạt động tiền mã hoá. Đáng chú ý, số liệu của WSJ vào tháng 8 năm ngoái cho thấy, khối lượng giao dịch trong một tháng của người dùng nước này trên sàn Binance đạt số tiền kỷ lục, lên đến 90 tỷ USD.
Thành công của các nhà giao dịch Trung Quốc trong việc trốn tránh các quy định pháp lý cho thấy những thách thức mà các cơ quan quản lý toàn cầu, kể cả ở Mỹ, đang phải đối mặt trong việc giám sát lĩnh vực này.
“Bắt họ là một thách thức thực sự. Có một tỷ người ở Trung Quốc. Làm sao bạn biết họ đang mua gì?”– Bobby Lee, người sáng lập dịch vụ lưu ký tiền mã hoá Ballet, chia sẻ.
Đặc biệt, những người dùng có tài khoản tại các sàn giao dịch trước khi có lệnh cấm đã sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để truy cập, cho phép họ che giấu vị trí. Hiện một số sàn giao dịch như Bybit, KuCoin, và Gate.io không còn cho phép người dùng tại đây mở tài khoản, trong khi một số khác như sàn HTX (Huobi) lại tạo ra ‘chương trình công dân kỹ thuật số’, để người dùng có thể chọn quốc tịch khác khi mở tài khoản, theo WSJ.
Lựa chọn phương thức tinh vi để thực hiện giao dịch
WSJ cho biết, người dùng Trung Quốc thường sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội như WeChat và Telegram để tìm kiếm đối tác và thực hiện các giao dịch Bitcoin, Ethereum,.. mà không cần thông qua các sàn giao dịch chính thống.
Họ không ngần ngại sử dụng các phương thức lỗi thời để lách luật, từ việc trao đổi địa chỉ ví trực tiếp tại các cuộc gặp gỡ công khai, cho đến giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, thậm chí thông qua chuyển khoản ngân hàng. Đặc biệt, những khu vực như Thành Đô và Vân Nam trở thành điểm nóng của hoạt động này, do chính quyền địa phương ít chú ý đến và các biện pháp thực thi lỏng còn lẻo hơn.
Một số người còn chuyển từ việc gặp nhau tại các địa điểm công cộng sang giao dịch tại các tiệm giặt là, quán cà phê, và tiệm đồ ăn nhanh. Thay vì giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, họ sử dụng các thiết bị lưu trữ dữ liệu như USB hoặc trao đổi thông tin chi tiết về ví blockchain.
Tăng cường trấn áp
Trong khi chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát thị trường tiền mã hoá nói riêng và hệ thống tiền tệ nói chúng, những nỗ lực này hiện đối mặt với thách thức lớn khi các biện pháp kiểm soát đã làm tăng nhu cầu về tài sản tiền mã hoá, khiến người dân tìm kiếm cách tiếp cận phi truyền thống.
Vào cuối tháng 12/2023, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông tin chi tiết về cuộc trấn áp các luồng tài chính phi pháp xuyên biên giới, nhấn mạnh về các giao dịch tiền mã hoá. Cơ quan công tố và cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc đã mô tả 8 ví dụ điển hình về loại hình tội phạm như vậy, trong đó có hai trường hợp liên quan đến việc chuyển đổi giữa đồng Nhân dân tệ, USDT và ngoại tệ.
Cảnh sát Trung Quốc cũng đang tăng cường theo dõi các hoạt động rửa tiền và tội phạm tài chính liên quan đến tiền mã hoá, và thường đóng băng các tài khoản ngân hàng có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt, nếu tài khoản này chứa số tiền có thể được truy nguyên về giao dịch liên quan đến tiền mã hoá.
Đáng chú ý, những luồng tài chính kể trên có thể là một phần trong các cuộc điều tra tội phạm ở quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ. Vào tháng 10/2023, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng, họ đã xác định một mạng lưới tội phạm có trụ sở tại Trung Quốc, chuyên giao dịch các hóa chất thường dùng để sản xuất các tiền chất ma túy bằng tiền mã hoá.
Từ thống trị khối lượng giao dịch đến quản lý chặt chẽ
Trong quá khứ, các nhà giao dịch Trung Quốc từng thống trị khối lượng giao dịch tiền mã hoá. Đồng Nhân dân tệ từng là loại tiền phổ biến nhất được sử dụng để giao dịch Bitcoin trước khi các sàn giao dịch đóng cửa vào năm 2017, theo nghiên cứu từ các học giả Trung Quốc, Conghui Chen và Lanlan Liu.
Nước này đã cho phép sử dụng công nghệ blockchain và giao dịch các sản phẩm từ bộ sưu tập NFT. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang phát hành phiên bản số của đồng Nhân dân tệ (e-CNY) trên nền tảng private blockchain (blockchain có kiểm soát). Các doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng đang sử dụng loại blockchain này để theo dõi vật nuôi và xác thực các sản phẩm xa xỉ.
Người phát ngôn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, cơ quan quản lý khuyến khích sử dụng công nghệ blockchain trong tài chính, bao gồm thanh toán chuỗi cung ứng, tài chính thương mại và báo cáo tín dụng.
Dù vậy, lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hoá đã được ban hành vào năm 2021. Trước đó, năm 2019, nước này chiếm khoảng 3/4 quy mô ngành khai thác Bitcoin toàn cầu. Thị phần này giảm xuống còn khoảng 1/5 vào đầu năm 2022, theo Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (Cambridge Centre for Alternative Finance).
Đáng chú ý, trước khi chính thức ban hành lệnh cấm, các quan chức chính phủ đã cảnh báo từ rất sớm. Năm 2017, Pan Gongsheng, một quan chức cấp cao, đã trích dẫn phân tích của nhà kinh tế người Pháp, Éric Pichet để cảnh báo người người dùng rằng, “một ngày nào đó, xác của Bitcoin sẽ nổi trước mặt bạn”. Năm ngoái, ông Pan được giao trách nhiệm lãnh đạo Ngân hàng trung ương Trung Quốc, một trong những cơ quan quản lý tiền mã hoá quan trọng nhất của nước này.
Theo Wall Street Journal