Vấn đề pháp lý đối với chủ sở hữu NFT vẫn đang là dấu hỏi khiến cộng đồng hoài nghi. Liệu NFT có giá trị cụ thể ra sao? Ai sẽ bảo bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu NFT trước những rủi ro?
Talkshow: “NFT và câu chuyện pháp lý – Sở hữu NFT có rủi ro không?” do Diễn đàn Phổ cập Blockchain tổ chức vào ngày 21/11, với sự góp mặt của các khách mời:
– Mr. Phạm Toàn Thắng – Founder, CEO Cổng trời NFT Việt Nam.
– Mr. Victor Trần – Tiến sỹ/Luật sư, Founder VLEC.
– Mr. Huỳnh Quang Minh – Content Creator Tizi Đích Lép.
– Mr. Nguyễn Việt Dinh – CTO Symper, Admin Diễn đàn Phổ cập Blockchain.
Khái niệm NFT? Giá trị cốt lõi và ứng dụng của NFT?
Mở đầu buổi trò chuyện, anh Phạm Toàn Thắng cho biết: từ những tính năng cơ bản của NFT, có thể đưa ra định nghĩa về NFT là “một công cụ thông qua Blockchain với các chức năng để hỗ trợ tính minh bạch cho việc xác thực quyền sở hữu, ghi nhận lịch sử giao dịch, chuyển quyền sở hữu và tự động chia sẻ phần trăm doanh thu trong các giao dịch thứ cấp cho người sở hữu đầu tiên. Từ đó, NFT trở thành chứng nhận số cho một loại tài sản số”.
NFT cung cấp một công cụ để chuyển đổi số, thay thế cho các hợp đồng thông thường, giúp cho quá trình diễn ra nhanh hơn và giảm thiểu các bên trung gian (chỉ còn người chuyển sở hữu và người nhận).
NFT tạo ra một công cụ cung ứng trực tiếp, thay thế việc chứng thực công chứng và tạo ra nguồn thu nhập thụ động, chuyển quyền khai thác, chuyển quyền thừa kế đối với nguồn thu nhập này.
Từ những yếu tố này, NFT có thể ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống, nhu cầu xác thực về quyền sở hữu, thông tin người khởi tạo tài sản,.. Anh Thắng kết luận.
Dưới góc độ người sáng tạo nội dung, anh Minh Huỳnh nhận định, trước đây tất cả những tài sản kỹ thuật số khi được công bố, người sáng tạo không thể kiểm soát nó, hàng ngàn bản sao chép được phát hành trên không gian mạng.
“Trước đây, tôi từng nghĩ tài sản số là không tồn tại”, anh nói.
Lấy ví dụ về ngành Mỹ Thuật Việt Nam, anh Minh cho biết: “Một thực tế đáng buồn là những tác phẩm mỹ thuật ngày nay đã không còn được đánh giá cao và ngày càng mất giá… Nhưng khi có NFT, cộng đồng sáng tạo đã thấy được nhiều cơ hội. Nhờ có NFT mà nền hội hoạ được thổi hồn để phát triển mạnh mẽ trở lại, bản thân những người nghệ sĩ cũng có thể theo đuổi đam mê của họ”.
Ca sĩ ra một MV, kết nối với một tài khoản liên kết với AR đi kèm với bản lyris được NFT hoá biến nó trở thành một cái game. NFT là cả một công cụ lớn để nghệ sĩ có thể sáng tạo trên đó. Việc này chỉ có nền tảng kỹ thuật số làm được. Anh Minh chia sẻ.
“Đây là một cuộc cách mạng, nhưng thời điểm nào nó sẽ thực sự làm sôi động thị trường lại là một câu hỏi bí ẩn”, anh Minh kết luận.
Kể từ khi NFT ra đời, đã có rất nhiều không gian sáng tạo mới cho giới sáng tạo. Nhưng NFT vẫn còn một vấn đề khó xử lý về việc xác thực bản quyền.
“NFT là một cuộc cách mạng rất lớn về vấn đề bản quyền, ý nghĩa áp dụng của nó rất lớn. NFT sẽ làm thay đổi toàn cuộc chơi trong lĩnh vực nghệ thuật”. anh Victor Trần góp ý.
Về mặt pháp lý, anh Victor nói: “Ở Việt Nam hay các nước Châu Á, vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng tồn tại từ lâu. Nhưng NFT sẽ mang lại nhiều điều tích cực, không chỉ với giới nghệ sĩ trong ngành nghệ thuật, mà còn cả những người làm ngành luật cũng thấy một tương lai sáng hơn, Việt Nam sẽ không còn mang tiếng về vấn nạn ăn cắp sáng tạo không gian mạng”.
“Ngoài ứng dụng cho nghệ sĩ nói riêng, nghệ thuật nói chung, các công ty luật có thể gắn những đoạn mã vào những văn bản cụ thể”. Anh Victor chia sẻ về các ứng dụng của NFT.
Ví dụ khi đi mua nhà, không thể xác nhận được sổ đỏ mà người bán đưa cho có phải là thật hay không, thì NFT sẽ xử lý được những vấn đề này. NFT sẽ mã hoá được thông tin sổ đỏ, giúp đảm bảo tính độc nhất và tính nguyên bản của tài liệu. Trong tương lai ứng dụng của NFT sẽ còn mở rộng qua nhiều lĩnh vực khác.
“NFT chính là nền tảng để Metaverse có thể đi sâu hơn vào cuộc sống”. anh Victor kết luận.
Rủi ro của người dùng khi mua NFT?
“Gốc rễ của rủi ro nằm ở khía cạnh đạo đức của người sáng tạo”. Nếu họ đặt mục tiêu để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người mua thì rủi ro cho người sưu tầm NFT là chắc chắn. Anh Thắng nêu quan điểm.
“Tuy nhiên,để giảm thiểu rủi ro, cần xác định được profile của tác giả (cụ thể là vấn đề scam), sau đó là xem xét đến chất lượng tác phẩm, định giá tác phẩm đang nắm giữ có khả năng sinh lời hay không”. Anh Thắng bổ sung.
Thường khi các tác giả đăng ký tham gia trên các chợ NFT, họ sẽ được yêu cầu KYC (Know Your Customer – là quy trình để xác định và xác minh danh tính của khách hàng là nghệ sĩ khi tham gia mở tài khoản) rất kỹ, thậm chí phải trao đổi trực tiếp hoặc qua video call, sau đó tác phẩm đó được gửi cho các thành viên trong hội đồng thẩm định để kiểm tra xem đã tồn tại trong không gian mạng hay chưa.
Mục tiêu chính là để giảm thiểu rủi ro cho người dùng. Tuy nhiên, không thể đảm bảo 100% không có rủi ro nếu tác giả vẫn cố tình lừa đảo. Anh Thắng kết luận.
“NFT ra đời chính là giúp chúng ta có thêm một công cụ để xác thực quyền sở hữu các tài sản số của mình”. Anh Victor bổ sung.
Anh nhấn mạnh: “Hiện nay, đang thiếu hụt nghiêm trọng các hành lang pháp lý, việc này khiến cho hành động kiện tụng của người mua NFT không có hiệu lực vì pháp luật Việt Nam chưa có những định nghĩa và quy định cụ thể về NFT”.
“Nếu xảy ra, rất khó để có ai đó đứng về phía người dùng, chính vì thế, tâm lý lo lắng của họ là điều rất dễ hiểu”. Anh Thắng bổ sung.
“Ở góc độ người sáng tạo, khi chưa có các hành lang pháp lý rõ ràng, nhà phát triển có thêm sự tự do trong công việc, ít lo lắng về việc liệu sáng tạo của họ có ảnh hưởng hay không đáp ứng đủ chế tài nào của nhà nước hay không”. Anh Victor nói.
“Thực tế những việc như vậy đã xảy ra trong các cộng đồng còn lớn hơn cả NFT Art đó là NFT Game và người chịu thiệt không ai khác chính là các users. Hay trong cộng đồng tiền điện tử gần đây là vụ Squid Game đã scam cộng đồng rất nhiều tiền…”. Anh Thắng chia sẻ.
Cách định giá các NFT
Anh Thắng cho rằng “Với những người nhiều tiền và mua trong giai đoạn đầu họ hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc chơi làm giá của các NFT. Đã có một giao dịch khủng khoảng 500 triệu USD mà người mua đồng thời cũng chính là người bán, tất cả chỉ để tạo ra một lượng traffic lớn, gây chấn động và làm mọi người chú ý đến NFT của mình”.
“Tại sao NFT lại đắt? Vấn đề này cần xem tác phẩm NFT được định giá bằng tiền pháp định thì mới xét đó là mức giá đắt hay rẻ. Còn NFT được trả dưới dạng token thì phải dựa theo việc người mua lựa chọn thanh toán bằng loại token nào mới nhận xét”. Anh Thắng nêu quan điểm.
Hiện nay còn có rào cản khi các tác giả rao bán một tác phẩm NFT họ cần xem xét phí gas, vì vậy giá NFT còn có thể bị đẩy lên cao hơn.
“Các tác phẩm NFT thông thường rất khó tạo FOMO để đẩy giá NFT lên, trừ trường hợp đó là các NFT của các nhân vật lớn, có tên tuổi”. Anh Minh Huỳnh nhận xét
NFT nên được phân loại vào danh mục nào?
“Giá trị của NFT thay đổi dựa theo đồng token được chọn để chi trả nên NFT sẽ được đưa vào danh mục tài sản số”. Anh Victor Trần nói.
“Một vụ kiện nổi tiếng trong cộng đồng tiền điện tử, khi Uỷ ban Chứng khoán Mỹ kiện các công ty phát hành tiền điện tử ra toà vì họ cho rằng các tổ chức này phát hành ICO có thể cấu thành hành vi niêm yết chứng khoán lần đầu IPO – một sự kiện vốn cần được thông qua rất nhiều thủ tục phức tạp của luật”. Anh nêu ví dụ.
Vụ kiện này vẫn chưa kết thúc, và NFT vẫn chưa được kết luận có phải là sản phẩm chứng khoán hay không. Tuy nhiên có thể hiểu NFT là một tài sản số.
“Sẽ phải chờ đợi cơ quan nhà nước ở Mỹ và sau đó là ở Việt Nam sẽ định nghĩa và xếp hạng NFT như thế nào”. Anh Victor kết luận.
Vấn đề thuế và rửa tiền
”Việc thu thuế là hoàn toàn có thể và Chính Phủ sẽ thu thuế bằng cách thông qua các sàn giao dịch ở Việt Nam”. Anh Victor Trần nhận định.
“Chính Phủ sẽ thắt chặt quản lý các sàn giao dịch thậm chí là từng giao dịch cá nhân. Về vấn đề thuế, nếu quy vào theo tài sản thông thường thì pháp luật Việt Nam đã nêu rõ, nó tuỳ thuộc vào mức thu nhập của từng cá nhân”.
Anh đưa ra giả định về các trường hợp muốn trốn thuế, khi một công dân có hai quốc tịch, đang sở hữu Bitcoin, nếu họ muốn trốn thuế nước sở tại họ chỉ cần bay sang nước kia và ngược lại.
“Ở đâu hành lang pháp lý dễ dàng hơn thì nơi đó sẽ là nơi họ lựa chọn. Đây hoàn toàn là một rủi ro lớn đối với các tài sản số, cơ quan nhà nước sẽ rất khó kiểm soát, đây là những giao dịch cross-border (xuyên biên giới) đơn giản”. Anh Victor nhận xét.
Khi tác phẩm NFT bị đẩy giá lên quá cao, sẽ đặt ra nghi vấn rửa tiền. Liệu pháp luật đã có những chế tài về vấn đề này?
“Rửa tiền là một thực trạng đã đang và sẽ xảy ra, đặc biệt nó sẽ đơn giản hơn khi có tính ẩn danh trên mạng Blockchain”. Anh Victor nói.
Anh cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan nhà nước. Họ cần trang bị kiến thức về tài sản số, về blockchain, về NFT. Trong đó bao gồm các cơ quan như toàn án, công an, viện kiểm sát, và một số cơ quan liên quan khác,..
“Ở nước ngoài, các tổ chức chống rửa tiền chuyên về crypto và sản phẩm số đều đã có, những việc này yêu cầu trình độ chuyên môn cao về mảng IT. Luật pháp đã tồn tại nhưng để chứng minh được hành vi rửa tiền của đối tượng thì không đơn giản”. Anh Thắng nêu quan điểm.
Rửa tiền tồn tại ở rất nhiều hình thức, việc con người đang sử dụng tiền mặt cũng chính là rửa tiền. Hiện nay, nhà nước Việt Nam đang khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt. Chính Phủ các nhiều nước cũng đang nghiên cứu đến việc áp dụng CBDC (Central Bank Digital Currency) – tiền kỹ thuật số của nhà nước để có thể theo dõi được dòng tiền.
Việc Trung Quốc đàn áp tiền điện tử bởi vì họ muốn tự phát triển CBDC, sau khi hoàn thiện hệ thống CBDC, có thể họ sẽ cho các công ty tiền điện tử hoạt động trở lại với điều kiện phải sử dụng CBDC của Chính và không được sử dụng các stable coin như USDT.
Khi đó, họ sẽ theo dõi được các hoạt động của từng ví cá nhân, như vậy có thể mọi thứ sẽ trở lại Centralized – tập trung chứ không còn Decentralized – phi tập trung nữa. Anh Thắng kết luận.
Kim Chi