Khu vực Đông Á nổi lên trở thành thị trường tiền mã hóa lớn thứ 6 toàn cầu, với stablecoin đang dần thay thế tiền pháp định tại một số quốc gia do lạm phát cao và chi phí giao dịch thấp.
Khu vực Đông Á đang nổi lên trở thành thị trường tiền mã hóa lớn thứ 6 trên thế giới, chiếm hơn 8,9% tổng giá trị tiền mã hóa toàn cầu từ tháng 6/2024 đến tháng 7/2023, theo báo cáo của Chainalysis. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi stablecoin, đặc biệt tại các quốc gia đang phải đối mặt với lạm phát cao và sự mất giá của tiền pháp định.
Theo Maruf Yusupov, đồng sáng lập Deenar, một loại stablecoin được bảo chứng bằng vàng, stablecoin đang dần thay thế tiền pháp định tại nhiều thị trường mới nổi nhờ chi phí giao dịch thấp, dễ sử dụng và khả năng tiếp cận dễ dàng. Xu hướng này nếu tiếp diễn, có thể làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Đặc biệt, stablecoin nổi lên như giải pháp thay thế hiệu quả cho các giao dịch chuyển tiền quốc tế, vốn thường rất tốn kém đối với các nền kinh tế mới nổi. Theo Statista, phí chuyển tiền trung bình qua ngân hàng trong năm 2024 là 7,34% giá trị giao dịch, trong khi stablecoin có thể giảm thiểu đáng kể con số trên.
Hoạt động tiền mã hóa tại Đông Á được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức
Báo cáo của Chainalysis cũng chỉ ra rằng hoạt động tiền mã hóa tại Đông Á chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp. Điều này được thể hiện qua quy mô giao dịch trung bình lớn, chiếm tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ khu vực nào khác được nghiên cứu.
Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể trong cách các nhóm nhà đầu tư này tiếp cận thị trường. Trong khi các nhà đầu tư tổ chức ưu tiên sử dụng sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và các dịch vụ tài chính phi tập trung (DeFi) để tận dụng cơ hội chênh lệch giá và sự đa dạng tài sản, thì các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn ưa chuộng sàn giao dịch tập trung (CEX).
Hồng Kông với nỗ lực trở thành trung tâm tiền mã hóa toàn cầu, đã ghi nhận mức tăng trưởng chấp nhận tiền mã hóa ấn tượng, hơn 85,6%, cao nhất trong khu vực Đông Á. Stablecoin đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này, chiếm hơn 40% tổng giá trị giao dịch tiền mã hóa tại Hồng Kông.
Sự phát triển mạnh mẽ của stablecoin cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Yusupov dự đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ tìm cách kiểm soát tác động của stablecoin đối với sự thống trị của tiền pháp định. Đồng thời, các mô hình lừa đảo mới cũng có thể xuất hiện do sự gia tăng sử dụng stablecoin trên toàn cầu.
Tại Hồng Kông, các cơ quan quản lý đã đề xuất chế độ cấp phép mới cho các tổ chức phát hành stablecoin được bảo chứng bằng tiền pháp định vào tháng 7/2024, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của chính phủ trong việc điều tiết thị trường stablecoin.