Công nghệ blockchain ban đầu được thiết kế để triển khai nhiều nhất trong các lĩnh vực kinh tế và tiền mã hoá, nhưng ngày nay tiện ích của nó đang mở rộng trong một số lĩnh vực khác, bao gồm cả lĩnh vực y tế.
Tiềm năng của công nghệ blockchain có thể được chứng kiến trong các lĩnh vực y học, bộ gen, y tế từ xa, giám sát từ xa, y tế điện tử, khoa học thần kinh và các ứng dụng chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa, bằng cơ chế ổn định và bảo mật dữ liệu mà người dùng có thể tương tác thông qua các loại giao dịch.
Dưới đây là 7 trường hợp sử dụng của blockchain trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.
1. Quản lý hồ sơ bệnh án
Trong quá trình thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử, các dữ liệu y tế thường gặp phải một số vấn đề như mất kiểm soát dữ liệu, khó theo dõi và bảo mật an toàn. Vì thế, blockchain được các cơ sở y tế sử dụng trên một hệ thống quản lý hồ sơ phi tập trung, có vai trò cung cấp lịch sử dữ liệu cố định để bệnh nhân trở thành chủ sở hữu dữ liệu cá nhân, giúp họ dễ dàng truy cập và kiểm soát các thông tin chăm sóc sức khỏe của mình.
Hồ sơ bệnh án thường chứa dữ liệu nhạy cảm và quan trọng liên quan đến bệnh nhân, được chia sẻ thường xuyên giữa các bác sĩ lâm sàng, bác sĩ X quang, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dược sĩ và nhà nghiên cứu, để chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Việc áp dụng blockchain giúp quản lý quyền riêng tư chặt chẽ hơn, đề xuất các mô hình chăm sóc bệnh nhân hợp lý, xác nhận thông tin nhanh chóng và phòng tránh tội phạm buôn bán dữ liệu y tế.
MedRec là ví dụ điển hình về một hệ thống dựa trên blockchain để quản lý thông tin y tế được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu MIT.
2. Nghiên cứu lâm sàng và phát triển thuốc
Bằng cách cung cấp một bản ghi dữ liệu thử nghiệm không thể chỉnh sửa, blockchain có thể tăng tính minh bạch và toàn vẹn của các thử nghiệm lâm sàng. The Clinical Trials Reporting and Results (CTRR) là một ví dụ về việc sử dụng blockchain để lưu trữ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
CTRR là một nền tảng dựa trên blockchain được phát triển bởi công ty dược phẩm Pfizer phối hợp với các công ty khác như IBM. Việc sử dụng blockchain giúp các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý dễ dàng truy cập và xác minh dữ liệu thử nghiệm, cải thiện chất lượng và độ tin cậy của kết quả thử nghiệm lâm sàng.
3. Truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng
Việc sản xuất và phân phối thuốc giả đã trở thành một trong những rủi ro sức khỏe lớn và toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trong quá trình sản xuất, cũng như nghiên cứu và phát triển các loại thuốc này, blockchain có thể là công nghệ phù hợp nhất, sử dụng để đánh giá, theo dõi và đảm bảo quy trình sản xuất các loại thuốc cho người bệnh.
Blockchain là công nghệ phù hợp nhất để theo dõi và quản lý nguồn gốc, tiến trình phân phối thuốc, đảm bảo sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Công nghệ này giúp các nhà thuốc, trung tâm theo dõi lượng thuốc tốt hơn, đồng thời theo dõi việc phân phát thuốc hiệu quả hơn.
Vào tháng 6/2022, Vechain đã thông báo hợp tác với Bệnh viện Renji hàng đầu Thượng Hải để khởi chạy một dịch vụ theo dõi tiến trình thụ tinh ống nghiệm dựa trên blockchain. Trước đó vào tháng 1, Bệnh viện Địa Trung Hải của Síp cũng đang sử dụng blockchain VeChain để lưu trữ hồ sơ tiêm chủng.
4. Quản lý thiết bị y tế
Công nghệ blockchain có thể hỗ trợ đội ngũ bác sĩ, y tá quản lý dữ liệu về thiết bị y tế, bao gồm thống kê về tình trạng sử dụng và nhật ký bảo trì của máy móc, từ đó giúp giảm khả năng xảy ra lỗi và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
5. Y tế từ xa
Dữ liệu y tế từ xa, bao gồm tư vấn sức khỏe bằng video và bàn giao đơn thuốc điện tử, có thể được lưu trữ và chia sẻ một cách an toàn thông qua blockchain, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của bệnh nhân.
Với token hóa dữ liệu, hợp đồng thông minh và các loại mật mã hóa liên quan đến giao dịch trong mạng lưới blockchain, công nghệ này sẽ giảm đáng kể các quy trình trước khi ủy quyền, giúp bệnh nhân tiếp nhận thông tin chăm sóc sức khỏe quan trọng hiệu quả hơn.
Nhờ đó, các bác sĩ, y tá có thể nhanh chóng truy cập vào thông tin liên quan so với trước đây, khi phải phụ thuộc vào bệnh nhân hoặc hồ sơ sức khỏe gửi qua đường bưu điện hoặc qua email từ nhiều nguồn khác nhau, như các phòng khám địa phương, phòng nghiên cứu
Một ví dụ về trường hợp sử dụng này là nền tảng y tế từ xa dựa trên blockchain Solve.Care.
6. Cá nhân hóa đơn thuốc cho từng bệnh nhân
Dữ liệu có thể được lưu trữ và chia sẻ một cách an toàn bằng cách sử dụng blockchain, cho phép các bác sĩ cá nhân hóa phương pháp điều trị y tế cho từng người bệnh, từ đó cải thiện tình trạng bệnh lý.
Với blockchain thì bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, nếu được bệnh nhân cho phép. Mọi truy cập đều được ghi lại, đảm bảo tính bảo mật và minh bạch. Đồng thời, các thông tin sẽ không thể bị sửa đổi bởi bất kỳ ai.
7. Bảo hiểm y tế
Blockchain có thể được áp dụng để xử lý các yêu cầu bảo hiểm y tế để rút ngắn thủ tục, thời gian đồng thời tăng tính minh bạch, giảm gian lận. MetLife đang sử dụng blockchain để hợp lý hóa quy trình yêu cầu bồi thường bảo hiểm nhân thọ, giảm thời gian cần thiết để xử lý các yêu cầu và cải thiện trải nghiệm tổng thể của khách hàng.
Tiềm năng phát triển của blockchain
Mặc dù phần lớn các ứng dụng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, nhưng chúng có tiềm năng thúc đẩy hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế và cải thiện kết quả bệnh án của bệnh nhân.
Blockchain có khả năng đem lại những thay đổi cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi công nghệ này có thể được sử dụng rộng rãi, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó bao gồm các trở ngại pháp lý, hạ tầng y tế, mối đe dọa an ninh mạng, vấn đề về độ tin cậy của dữ liệu khả năng tương tác với các hệ thống hiện tại,…
Thật vậy, công nghệ blockchain sẽ còn phát triển trong thời gian dài thông qua tầm nhìn các nhà cải cách, hoạch định chính sách và những người đam mê công nghệ để kết hợp khôn khéo những cách ứng dụng blockchain vào lĩnh vực y khoa một cách an toàn, có trách nhiệm và theo tiêu chí lấy bệnh nhân làm trung tâm.
PCB Tổng hợp