Chuyển đổi số với nền tảng công nghệ blockchain đang trở thành xu hướng mới đối với nhiều tổ chức và doanh nghiệp.
Được các chuyên gia đánh giá là một trong những nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi số, blockchain đặc biệt phù hợp để ứng dụng trong việc xác thực tính đúng đắn của dữ liệu, minh bạch thông tin và dễ dàng liên thông dữ liệu trong hệ sinh thái phần mềm.
Talkshow số 24 do Diễn đàn Phổ cập blockchain tổ chức với chủ đề “Blockchain trong tiến trình chuyển đổi số” đã khai mở phần nào về những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số với blockhain là công nghệ tiên phong.
Tổng quan về chuyển đổi số
Mở đầu cuộc thảo luận, cần định nghĩa lại về “chuyển đổi số”, khi nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm này với việc số hoá, cũng như lý do vì sao thế giới đang tích cực trong việc chuyển đổi số.
Ông Trịnh Công Duy, Giám đốc Trung tâm Phần mềm Đại học Đà Nẵng, Nhà sáng lập dự án Bizverse Word, Trưởng phòng thí nghiệm liên ngành về chuyển đổi số và Metaverse nhận định “các yếu tố liên quan đến internet, công nghệ thông tin là không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay, và chuyển đổi số là xu hướng của thời đại”.
Chuyển đổi số cần trải qua giai đoạn đầu tiên là số hóa (digitalization). Muốn vận hành thế giới công nghệ thông tin cần có dữ liệu, dựa trên quy trình dữ liệu đầu vào. Một doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình truyền thống khi bước vào chuyển đổi số cần phải trải qua giai đoạn số hóa, đưa những hoạt động thường ngày vào không gian số.
“Trước năm 2017, chúng ta nói nhiều về đô thị thông minh nhưng chưa định nghĩa được nó là gì. Sau đó, Việt Nam nhận ra rằng tiến đến đô thị thông minh cần phải làm các công đoạn chuẩn bị đó là công đoạn chuyển đổi qua số hóa và dùng công nghệ”, ông Huy nêu ví dụ.
Chuyển đổi số không phải là từ khoá mới, các đề án của chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên các doanh nghiệp khi đó vẫn loay hoay chưa biết phải bắt đầu từ đâu, đặc biệt là thời điểm dịch Covid diễn ra khiến mọi hoạt động truyền thống bị đình trệ. Chính vấn đề này đã tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình chuyển đối số đi nhanh hơn, làm nổi bật vai trò của công nghệ đối với cuộc sống.
Theo ông Trần Bằng Việt – Chủ tịch Jadeite Ventures, TGĐ Đông A Solutions, số hoá trong các vấn đề quản lý thông tin, dữ liệu khách hàng của doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi như giảm chi phí trong quản lý vận hành doanh nghiệp cũng như tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số. Nhiều đơn vị kinh doanh sau khi chuyển đổi số đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu cao không kém các kênh truyền thống.
“Với nền kinh tế Việt Nam, chuyển đổi số là bắt buộc khi muốn cạnh tranh. Nếu không am hiểu công nghệ hay chuyển đổi số, sẽ là bất lợi cho các startup”, ông Việt nhấn mạnh.
Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là Chính phủ, Việt Nam đang cho thấy nhiều tiến bộ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như tiến trình chuyển đổi số. Đây là lợi thế không nhiều quốc gia có thể làm được, bên cạnh các điều kiện thuận lợi khác như hạ tầng cơ sở tốt, nguồn nhân lực trẻ năng động.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã thay đổi khá nhiều hành vi người dùng, khiến họ tiếp cận gần hơn với công nghệ, nhưng niềm tin của cộng đồng vào công nghệ cũng như số hoá chuyển đổi số vẫn chưa cao.
“Giá trị niềm tin là vô hình nhưng đặc biệt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số hay số hoá bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào”, ông Việt lưu ý.
Trong dài hạn cần xác định rằng chuyển đổi số sẽ mang lại những lợi thế và khác biệt, tạo ra sự cạnh tranh, làm giảm các chi phí vận hành cũng như gia tăng khách hàng tiềm năng.
“Các doanh nghiệp chưa tiến hành mục tiêu chuyển đổi số có thể sẽ bị bỏ lại phía sau, nghiêm trọng hơn là bị đào thải khỏi thị trường. Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là rời cuộc chơi”, ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Đào tạo Công nghệ Blockchain, Học viện MindChain chia sẻ.
“Các đề án chuyển đổi số quốc gia đưa ra cần xác định mục tiêu đầu tiên là “chuyển đổi nhận thức’, trước hết là từ cơ quan quản lý rồi đến các cấp thấp hơn”, ông Duy bổ sung.
Nhìn chung, mỗi lĩnh vực sẽ có những công nghệ tiên phong riêng biệt, không có một công nghệ nào có thể phục vụ cho tất cả các lĩnh vực, bởi vậy cần có những giải pháp mang tính platform để giúp các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực về IT, công nghệ có thể dễ dành ứng dụng.
Vai trò của blockchain trong quá trình chuyển đổi số
Blockchain là công nghệ thú vị và là bước tiến lớn của nền công nghệ toàn cầu, đặc biệt được chú ý nhiều hơn khi Bitcoin xuất hiện. Hiện nay blockchain có vai trò lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau đặc biệt là ngành tài chính.
Bản chất của chuyển đổi số là thay đổi những hoạt động cũ kém hiệu quả, đưa công việc lên không gian mạng. Mặc dù các tiến bộ công nghệ đã làm được điều này, nhưng sự xuất hiện của blockchain sẽ giúp hoàn thiện hơn tiến trình chuyển đổi số bằng các tính năng ưu việt như minh bạch thông tin, truy xuất dữ liệu nhanh chóng, không thể chỉnh sửa.
Ông Duy cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi số, họ sẵn sàng thay đổi và ứng dụng blockchain nhằm giải quyết bài toán vận hành và quản lý hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Trung đánh giá cao những tính năng mà blockchain đang có như tính minh bạch và phi tập trung.
“Tất cả dữ liệu lưu trữ trên blockchain sẽ rõ ràng về mặt thời gian, con số, người dùng dễ dàng tra cứu thông tin chính xác nhanh chóng, đặc biệt sẽ luôn yên tâm bởi tính bất biến không thể chỉnh sửa”, ông Trung nhấn mạnh.
Bổ sung vấn đề này, ông Việt nhận định blockchain có nhiều tính năng vượt trội, tuy nhiên không phải là con đường duy nhất trong chuyển đổi số, cần làm rõ để tránh nhầm lẫn khái niệm.
Bên cạnh những lợi thế, blockchain vẫn tồn tại những điểm hạn chế đặc biệt là tốc độ đang khá chậm. Để vận hành hệ thống blockchain cần tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra là các quy định, hành lang pháp lý còn bỏ ngỏ chưa thể mang đến sự yên tâm cho doanh nghiệp trước các mối đe doạ tiềm tàng.
Ông Việt tin rằng blockchain có thể trở thành một xu hướng chính về mặt công nghệ trong khoảng 10-15 năm tới khi hành lang pháp lý trên toàn cầu được hoàn thiện, đây là tiến trình không thể đảo ngược.
Nhiều quốc gia đang ủng hộ ứng dụng blockchain mạnh mẽ, song song với việc ban hành các quy định nhằm quản lý ngành một cách hiệu quả và bền vững. Trong khi đó, một số nước luôn chỉ trích ngành, tuy nhiên họ không thể ngăn cản blockchain đi sâu vào nền kinh tế, bởi đây là xu hướng toàn cầu.
Ông Duy đồng tình quan điểm rằng blockchain không phải là công nghệ duy nhất trong chuyển đổi số, cũng như không nên hiểu nhầm blockchain chỉ là tiền số.
Việt Nam đang có lợi thế tiềm năng để tiên phong trong lĩnh vực blockchain khi trong top 200 công ty blockchain lớn nhất, nước ta góp mặt 7 đại diện, đặc biệt một số công ty được đánh giá là kỳ lân trong ngành với định giá hàng tỷ USD.
Tuy nhiên trên thế giới hay ngay ở Việt Nam việc ứng dựng blockchain trong tiến trình chuyển đổi số vẫn chưa bùng nổ, nhiều doanh nghiệp đang có những cách tiếp cận thăm dò, ngại công khai, chủ yếu vẫn là xây dựng phát triển các dự án đi kèm với phát hành token và đề cao tính crypto.
Ông Duy cho biết các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng đang âm thầm ứng dụng blockchain trong quản lý và vận hành doanh nghiệp. Có thể kể đến như công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã ứng dụng blockchain và smart contract trong việc phát hành trái phiếu, quản lý giao lịch và sở hữu trái phiếu cho khách hàng. Bên cạnh là các lĩnh khác như logicstic, đất đai, giáo dục,…
Nhiều quốc gia như Úc, Singapore, Nam Phi và Malaysia gần đây còn thành lập một liên minh về thanh toán xuyên biên giới. Với sự hoàn thiện của công nghệ, trong tương lai có thể nhìn thấy vai trò lớn hơn của blockchain trong tiến trình chuyển đổi số.
Về phía cơ quan quản lý, cần nghiên cứu chi tiết khi áp dụng một công nghệ mới vào trong hệ thống vận hành xã hội, cũng như cần học tập kinh nghiệm các nước đi trước và đặc biệt là kiểm soát công nghệ một cách chặt chẽ.
Đối với doanh nghiệp, cần tuân thủ luật pháp Việt Nam và tham khảo ý kiến các tổ chức có liên quan, nhằm ứng dụng công nghệ blockchain một các phù hợp, hiệu quả. Với những lợi thế hiện có, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới.
Ông Trung cho rằng không chỉ với các tổ chức, doanh nghiệp, việc quan tâm đến cộng đồng và nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng. Khi guồng quay công nghệ phát triển nóng, cơn khát về nhân lực sẽ xảy ra. Nếu không chuẩn bị và đào tạo được nguồn nhân lực kế cận sẽ rất khó khăn trong việc đưa blockchain vào cuộc sống.
Ngoài ra, cần sự ủng hộ và tin tưởng của cộng đồng người dùng, trước hết là việc phổ cập thông tin kiến thức nhằm thay đổi góc nhìn chung.
Ông Trần Bằng Việt đánh giá mặc dù có sự cởi mở và quan tâm từ các cơ quan nhà nước nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng ứng dụng blockchain bởi các rào cản về chuyên môn và kiến thức.
“Công chúng nói chung và doanh nghiệp nói riêng phần lớn đang chưa hiểu về blockchain, đây là một thách thức. Nhưng với sự chung tay của nhiều nguồn lực chắc chắn sẽ thúc đẩy sự quan tâm và triển khai ứng dụng blockchain một cách mạnh mẽ trong tương lai, góp phần xây dựng tiến trình chuyển đổi số bền vững”, ông Việt kết luận.
[…] Talkshow do Diễn đàn Phổ cập Blockchain tổ chức vào tối ngày 12/10/2022 với chủ đề “VỊ THẾ VIỆT NAM TRONG NGÀNH BLOCKCHAIN TOÀN CẦU” đã có những đánh giá chi tiết về tình hình phát triển ngành blockchain Việt Nam cũng như vị thế trên thế giới trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ. […]