Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về giá trị giao dịch tài sản mã hóa nhưng vẫn thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo ra khoảng trống lớn về kiểm soát AML/CFT.
Theo báo cáo mới nhất từ Chainalysis, Việt Nam xếp thứ 11 toàn cầu về giá trị tài sản mã hóa nhận được trong giai đoạn từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, nhưng lại đang thiếu một hệ thống quy định pháp lý rõ ràng và đầy đủ. Thực trạng này gây ra một “lỗ hổng vật chất” (material gap) đáng kể trong khuôn khổ toàn cầu về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT).
Báo cáo cũng chỉ rõ Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chưa áp dụng Khuyến nghị 15 của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), vốn yêu cầu các nước phải xây dựng một khung pháp lý toàn diện quản lý tài sản ảo. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa đưa ra các chế tài cụ thể nhằm bảo vệ nhà đầu tư và ngăn chặn các hành vi thao túng, giao dịch nội gián trên thị trường tài sản mã hóa.
Trong Sơ đồ “The Policy Lifecycle”, Chainalysis xếp Việt Nam vào giai đoạn “Phát triển chính sách và lập pháp”, tức là đang hoàn thiện khuôn khổ luật pháp nhưng chưa bước sang giai đoạn triển khai thực thi, cùng nhóm với Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, tình hình được kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể với việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số vào ngày 14/06/2025, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật lần đầu tiên đưa ra định nghĩa tài sản số và giao Chính phủ ban hành nghị định chi tiết. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan chức năng sẽ xây dựng chuẩn tuân thủ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), đồng thời thiết lập khung cấp phép và cơ chế giám sát đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa (VASP).
Việc ban hành luật mới không chỉ giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với tiêu chuẩn quốc tế, mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, an toàn hơn cho nhà đầu tư, đồng thời nâng cao tính toàn vẹn của thị trường tiền mã hóa trong nước.
Theo các chuyên gia, trong 18 tháng tới, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan đến tài sản mã hóa cần nhanh chóng chuẩn bị các giải pháp kỹ thuật và tuân thủ quy định AML/KYC, đặc biệt là thực thi quy tắc travel rule của FATF.
Tuy nhiên, việc triển khai và áp dụng các quy định mới sẽ đặt ra không ít thách thức cho cả các nhà cung cấp dịch vụ nội địa và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng với khung pháp lý, các cơ quan quản lý cũng phải đảm bảo cân đối giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới công nghệ và quản lý hiệu quả các rủi ro tài chính.