CEO Sberbank German Gref bày tỏ quan điểm trái ngược với CBR khi ngân hàng Nga phải triển khai thanh toán rúp số trước 1/9/2026.
Tổng Giám đốc điều hành Sberbank German Gref đã gây chú ý tại Diễn đàn Tài chính St. Petersburg ngày 2 tháng 7 khi bày tỏ quan điểm hoài nghi đối với dự án rúp số của Nga. Phát biểu của ông trái ngược hoàn toàn với định hướng thúc đẩy mạnh mẽ từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), cơ quan đã yêu cầu toàn bộ ngân hàng trong nước triển khai phương thức thanh toán bằng rúp số trước ngày 1 tháng 9 năm 2026.
“Tôi không thấy lợi thế gì cả,” Gref nói với phóng viên tại diễn đàn. “Là một cá nhân, tôi không hiểu tại sao cần có rúp số. Là một ngân hàng… tôi cũng chưa thật sự hiểu rõ về nó.” Lãnh đạo ngân hàng lớn nhất Nga cho biết ông “khó hình dung được lợi ích cụ thể nào” mà đồng rúp số mang lại cho Nga, ngoại trừ trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới.
Gref nhấn mạnh rằng hệ thống ngân hàng Nga hiện đã sở hữu nền tảng tài chính số rất mạnh, bao gồm cả thanh toán không tiền mặt, và khẳng định chưa nhìn thấy viễn cảnh rúp số có thể tạo ra đột phá cho nền kinh tế. “Hiện chưa có đồng tiền kỹ thuật số nào trở thành đồng tiền thống trị tại bất kỳ quốc gia nào,” ông lưu ý.
Việc Nga thúc đẩy đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) diễn ra trong bối cảnh hơn 130 quốc gia đang nghiên cứu phát hành phiên bản số của đồng tiền quốc gia. Với Nga, rúp số được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa quy trình thanh toán thương mại quốc tế – vốn đang bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo rằng các ngân hàng thương mại sẽ phải cung cấp dịch vụ thanh toán bằng rúp số cho khách hàng kể từ ngày 1/9/2026, trễ hơn một năm so với kế hoạch triển khai ban đầu. Dự án thí điểm đồng rúp số bắt đầu vào tháng 8/2023 với sự tham gia của 15 ngân hàng và 9.000 người dùng đến tháng 10/2024.
Xu thế CBDC toàn cầu và cách tiếp cận khác biệt
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 100 quốc gia và liên minh tiền tệ đã nghiêm túc nghiên cứu phát hành CBDC nhằm đối phó với sự sụt giảm sử dụng tiền mặt và dòng vốn chảy vào tài sản số. Một số quốc gia như Bahamas và Jamaica đã phát hành CBDC quốc gia, trong khi Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Hồng Kông đang triển khai chương trình thử nghiệm.
Trung Quốc đang dẫn đầu với chương trình thử nghiệm CBDC lớn nhất thế giới. Từ năm 2020 đến nay đã có hơn 260 triệu người dân tham gia tại hàng chục thành phố. Đồng nhân dân tệ số hiện được sử dụng trong hơn 200 tình huống bán lẻ và đang được thúc đẩy cho thanh toán quốc tế nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Ngược lại, tại Hoa Kỳ, khả năng phát hành một đồng USD số cho bán lẻ gần như bằng 0 sau khi Hạ viện thông qua dự luật vào tháng 5/2024 cấm phát hành CBDC trực tiếp, và Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm triển khai CBDC. Thay vào đó, Hoa Kỳ đang ban hành các đạo luật điều chỉnh stablecoin, bao gồm CLARITY Act, GENIUS Act và STABLE Act, tạo khung pháp lý rõ ràng cho việc phát hành và lưu thông các loại stablecoin gắn với USD.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu CBDC, chủ yếu tập trung vào cải thiện hệ thống thanh toán nội địa. Dù ông Gref còn hoài nghi, không thể phủ nhận rúp số có thể đóng vai trò quan trọng trong thanh toán quốc tế, nhất là trong bối cảnh Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.