Hà Lan đang lấy ý kiến công chúng về dự luật mới yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa chia sẻ dữ liệu người dùng với cơ quan thuế, nhằm tăng cường minh bạch và chống trốn thuế.
Ngày 24/10, Bộ Tài chính Hà Lan đã công bố dự luật mới, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa, bao gồm sàn giao dịch, thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng với Cơ quan thuế quốc gia (Belastingdienst). Động thái trên nằm trong nỗ lực của chính phủ Hà Lan nhằm tăng cường minh bạch trong lĩnh vực tiền mã hóa, góp phần ngăn chặn trốn thuế và gian lận thuế, đồng thời tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Dự luật được xây dựng dựa trên quy định về báo cáo thuế tiền mã hóa DAC8, được EU thông qua vào năm 2022. Theo đó, cơ quan thuế Hà Lan sẽ được phép chia sẻ dữ liệu thu thập được với các quốc gia thành viên khác trong EU, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý thuế xuyên biên giới đối với tài sản tiền mã hóa.
Tăng cường minh bạch, ngăn chặn trốn thuế
Bộ Tài chính Hà Lan cho biết, quy định mới sẽ không ảnh hưởng đến nghĩa vụ kê khai tài sản hiện tại của chủ sở hữu tiền mã hóa. Người sở hữu tiền mã hóa tại Hà Lan vẫn phải kê khai tài sản với Belastingdienst và chịu thuế như đối với các khoản đầu tư khác. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu đầy đủ về lĩnh vực này đang gây ra sự bất bình đẳng trong thị trường tài chính và tạo kẽ hở cho các hành vi trốn thuế.
Ông Folkert Idsinga, Quốc vụ khanh phụ trách thuế và quản lý thuế, khẳng định: “Dự luật này là bước tiến quan trọng trong quản lý thuế tiền mã hóa. Việc trao đổi dữ liệu trong tương lai sẽ giúp tiền mã hóa trở nên minh bạch hơn đối với cơ quan thuế, từ đó ngăn chặn tình trạng trốn thuế và đảm bảo các chính phủ châu Âu không bị thất thu ngân sách”.
Bên cạnh chia sẻ dữ liệu trong nội bộ EU, dự luật cũng mở rộng phạm vi hợp tác ra ngoài khối. Dữ liệu thu thập từ các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa sẽ được chia sẻ với các quốc gia ngoài EU đã ký kết Khung Báo cáo Tài sản Tiền mã hóa (CARF) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). CARF đã được 47 quốc gia, gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Singapore, thực thi từ tháng 11/2022.
Chính phủ Hà Lan sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp và phản hồi về dự luật này đến ngày 21/11/2023. Dự kiến, dự luật sẽ được trình lên Hạ viện vào quý II/2025.