Các Ngân hàng trung ương ở Ý và Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về stablecoin và kêu gọi một khung pháp lý nghiêm ngặt cho loại tài sản này.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã cung cấp danh sách các rủi ro liên quan đến việc sử dụng stablecoin ở các nền kinh tế mới nổi, trong khi Ngân hàng Ý (BdI) nhấn mạnh sự biến động của loại tài sản số này.
RBI đã công bố một báo cáo lưu ý rằng stablecoin có thể gây ra tác hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế đang phát triển. Theo tuyên bố, stablecoin tiềm ẩn các mối đe dọa đối với các nền kinh tế đang phát triển như:
- Thay thế tiền tệ quốc gia. Stablecoin có thể thay thế cho đồng tiền quốc gia vì tài sản cơ bản của chúng thường có mệnh giá bằng ngoại tệ.
- Sự không chắc chắn của sự ổn định tài chính. Việc thiếu dữ liệu được xác thực và lỗ hổng thông tin trong hệ sinh thái tiền mã hóa gây khó khăn cho việc đánh giá rủi ro ổn định tài chính đúng cách.
- Tác động đến chính sách tiền tệ. Stablecoin có thể gây khó khăn cho các Ngân hàng trung ương trong việc thiết lập lãi suất và điều kiện thanh khoản trong nước.
- Bỏ qua các biện pháp quản lý dòng vốn. Bản chất phi tập trung và ẩn danh của tài sản tiền mã hóa khiến chúng trở thành công cụ hấp dẫn để phá vỡ kiểm soát vốn.
- Rủi ro tín dụng. Stablecoin, một giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính truyền thống, có thể phá vỡ khả năng huy động vốn và phát hành các khoản vay của các ngân hàng, làm suy yếu việc đánh giá rủi ro tín dụng.
- Tăng khả năng sử dụng các giao dịch bất hợp pháp. Khó khăn trong việc theo dõi và giám sát các giao dịch P2P bằng stablecoin có thể làm tăng khả năng sử dụng chúng trong các giao dịch bất hợp pháp.
Các nhà phân tích của RBI cũng cho biết thị trường stablecoin cần được các cơ quan chính phủ quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính có thể xảy ra và được hỗ trợ để phát triển một hệ sinh thái tài chính phi tập trung.
Đại diện của Ngân hàng trung ương Ý đồng quan điểm về cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nhà phát hành stablecoin. Báo cáo BdI nhấn mạnh sự bất ổn của loại tài sản số này bằng việc trích dẫn hậu quả của sự sụp đổ của Terra vào tháng 5/2022.
Tuy nhiên theo một quan chức của Ngân hàng Ý, không phải tất cả các tài sản tiền mã hóa đều phải tuân theo quy định tài chính. Cụ thể, những tài sản không phục vụ nhu cầu tài chính của khách hàng, tức không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ đầu tư.
Ví dụ, chính phủ Ý hỗ trợ công nghệ blockchain trong các giao dịch phi tài chính liên quan đến nhận dạng phi tập trung, quyền sở hữu, quản lý chuỗi cung ứng, bỏ phiếu và các sáng kiến vì môi trường.
Cả hai Ngân hàng trung ương đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp toàn cầu và việc tạo ra một khung pháp lý quốc tế cho stablecoin, do tính chất toàn cầu của công nghệ.
Trước đó, RBI đang tích cực làm việc để tạo ra một loại tiền số của Ngân hàng trung ương (CBDC). Vào tháng 12/2022, Ấn Độ đã triển khai thí điểm CBDC bán lẻ, tiếp cận hơn 55 triệu người. RBI cũng đã ký một thỏa thuận với Ngân hàng trung ương UAE (CBUAE) để phát triển một cầu nối cho CBDC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch bằng tiền kỹ thuật số.
PCB Tổng hợp