Cơ quan Thuế Nhật Bản sẽ chính thức miễn thuế đối với khoản ‘lợi nhuận chưa thực hiện’ của các công ty phát hành tài sản số. Đây là nội dung nằm trong đề xuất cải cách thuế được thông qua từ cuối năm 2022 và được đưa vào ‘đề cương cải cách thuế’ cho năm tài khóa 2023, Coinpost.jp đưa tin vào ngày 20/6.
Các điều kiện chính để được miễn thuế bao gồm, các loại token phải được phát hành bởi chính các công ty đó, đồng thời phải được nắm giữ liên tục từ thời điểm phát hành. Thứ hai, kể từ thời điểm phát hành các token phải tuân thủ lệnh ‘hạn chế chuyển nhượng’.
Hành động này đã làm dịu hơn quy định về thuế và cải thiện môi trường kinh doanh dịch vụ tài sản số tại Nhật Bản. Theo luật hiện hành, một công ty nắm giữ tài sản số sẽ bị đánh thuế đối với các khoản lãi chưa thực hiện vào cuối kỳ lên đến 35%. Đây là một thông lệ gây ra nhiều gánh nặng cho các doanh nghiệp và cản trở sự đổi mới trong lĩnh vực blockchain.
Nhật Bản trong một thời gian dài đã xem xét về các chính sách thuế tài sản số. Hiện tại tính linh hoạt cũng như việc nới lỏng các quy tắc có thể tạo động lực thúc đẩy nước này trở thành một trung tâm tài sản số mới ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Cộng đồng doanh nghiệp đã phản ứng tích cực trước thông tin này. Ông Sota Watanabe, nhà sáng lập Aster Network (ASTR), người tích cực kêu gọi sửa đổi quy tắc thuế cho biết, ông sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà quản lý và chính trị gia để thúc đẩy ban hành các quy tắc thuế thuận lợi hơn, đặc biệt là vấn đề giảm thuế đối với các khoản nắm giữ tài sản số do công ty khác phát hành.
Bối cảnh thuế tiền mã hoá
Đối tượng đánh thuế ở thị trường tài sản số là một trong những vấn đề chưa được xác định rõ ở nhiều quốc gia. Mặc dù các khoản đầu tư vào tài sản số có tiềm năng đạt được lợi nhuận cao, nhưng việc tạo ra khung quy định thân thiện, rõ ràng về thuế sẽ là lý do thu hút nhiều doanh nghiệp tiềm năng đến với quốc gia đó.
Không chỉ tại Nhật Bản, thuế tài sản số chắc chắn là một vấn đề toàn cầu. Ngay cả ở những nước hiện không có quy định rõ ràng với hệ sinh thái tài sản số, nhưng nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp là rất khó thương lượng và có thể nói là khắc nghiệt.
Ấn Độ là quốc gia đi đầu trong việc áp đặt các chính sách thuế như vậy. Các nhà quản lý tại đây đã xem xét đánh thuế giao dịch tài sản số lên đến 28% từ giữa năm ngoái, trong khi trước đó các doanh nghiệp Ấn Độ phải đối mặt với mức thuế lãi vốn là 30%.
Một số cơ quan thuế khác ở Mỹ, Châu Âu và Úc cũng đang triển khai các hệ thống theo dõi mới nhất nhằm hỗ trợ phát hiện bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào cố gắng trốn thuế từ các hoạt động giao dịch tài sản số hoặc đầu tư chung.