Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã đệ đơn kiện sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới Binance và CEO Changpeng Zhao (CZ) lên toà án liên bang ở Quận Columbia, thủ đô Washington DC vào ngày 2/6, với cáo buộc vi phạm Luật chứng khoán.
Trong đơn kiện dài 136 trang, SEC coi nhiều loại token đang giao dịch trên sàn Binance là chứng khoán chưa đăng ký và củng cố lập luận đối với một số token mà họ coi là các trường hợp vi phạm đáng chú ý. SEC xác định 10 loại tiền điện tử phân loại chứng khoán bao gồm Solana (SOL), Cardano (ADA), Polygon (MATIC), Filecoin (FIL), Cosmos (ATOM), The Sandbox (SAND), Decentraland (MANA), Algorand (ALGO), Axie Infinity (AXS) và Coti (COTI).
Tuy nhiên một lần nữa SEC né tránh Ethereum khiến dư luận đặt ra câu hỏi tại sao SEC tiếp tục làm điều đó. Liệu nó có phải là chứng khoán? Và nếu không phải thì nó là gì?
Quan điểm không rõ ràng của SEC
Các lập luận của SEC để xác định một loại token được xem là “chứng khoán tiền điện tử” được trình bày trong Phần VIII của đơn kiện (trang 85-123). Nhưng có một số mâu thuẫn về các thuộc tính đáng chú ý xuất hiện và lặp lại nhiều lần trong tài liệu như: quy trình phát hành tiền điện tử lần đầu (ICO), quy trình phân phối token, quy trình phân bổ token cho nhóm chủ chốt và thúc đẩy việc tạo ra lợi nhuận thông qua quyền sở hữu các loại token. Và không ngoại lệ khi Ethereum không nằm trong danh sách được nêu.
Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler vẫn luôn mơ hồ và không rõ ràng về câu hỏi “liệu Ethereum có phải là chứng khoán hay không”. Thực tế ETH thường được xem như một khoản đầu tư, cho thấy nó có thể được phân loại là chứng khoán, nhưng ETH cũng được sử dụng hàng ngày như một phương tiện thanh toán trên các giao thức blockchain, khiến nó trở nên giống tiền tệ hay là một phương tiện thanh toán bù trừ (ACH).
Trước đó ông Gensler cũng liên tục khẳng định, trong lĩnh vực tiền điện tử, ngoài Bitcoin (BTC) thì tất cả các token đều có thể được coi là chứng khoán, nhưng ông không hề đề cập đến Ethereum. Trong phiên điều trần với Uỷ ban dịch vụ tài chính Hạ viện vào ngày 18/4, khi bị Chủ tịch Uỷ ban McHenry gây áp lực phải nói rằng: “Tôi tin rằng Ethereum là một chứng khoán”, Gensler đã không thể thực hiện. Sự không chắn chắn của chủ tịch SEC là điều ngạc nhiên khi ông luôn khẳng định các loại token tương tự là chứng khoán. Tại sao vậy?
Vấn đề có thể nằm ở sự chồng chéo về quản lý tiền điện tử trong nội bộ chính phủ Mỹ, khi Uỷ ban giao dịch hàng hoá tương lai (CFTC) đang xem Bitcoin và Ethereum là các loại hàng hoá, do đó sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh quy định giữa các cơ quan quản lý. Điều này được cho có thể ảnh hưởng đến lập trường của Chủ tịch SEC đối với Ethereum trong bối cảnh ông đang cố gắng tránh sự xung đột trong nội các liên bang.
Một phân tích khác của tờ Protos lập luận rằng ông Gensler trốn tránh công khai quan điểm về Ethereum có thể là do hậu quả từ sự im lặng của SEC trước vụ hack DAO đình đám, khiến blockchain này bị phân nhánh thành Ethereum Classic và đặt hệ sinh thái vào nguy cơ gặp rủi ro. Chủ tịch SEC dường như cảm thấy khó khăn và không muốn trở thành người xử lý hậu quả của các lãnh đạo tiền nhiệm.
Hiện tại khi hệ sinh thái Ethereum phải mất nhiều năm để phục hồi và xây dựng niềm tin, việc tuyên bố nó là chứng khoán có thể gây ra những hậu quả không lường trước và tiềm ẩn những rủi ro không mong muốn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên việc bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp này cũng đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định khó khăn, vì sự can thiệp không thích hợp có thể gây ra hệ quả tiêu cực đối với thị trường.
Nhưng có thể có một lý do khác đằng sau sự chần chừ của Chủ tịch SEC trong việc phân loại Ethereum, đó là “ông ấy thật sự không biết”.
Tiền điện tử và blockchain được xem là những sản phẩm tài chính sáng tạo và mới lạ, chúng đại diện cho một sự thay đổi cơ bản trong việc người dùng hiểu về tài chính và quyền sở hữu tài sản. Ở trường hợp của một hệ sinh thái phi tập trung như Ethereum, chúng lại mang đến một mô hình hoàn toàn mới.
Nếu lập luận trên là đúng, sẽ không bất ngờ khi hầu hết người dùng vẫn chưa hiểu đầy đủ những hệ quả của sự đổi mới này. Bất cứ những điều gì mới mẻ về cơ bản đều chống lại việc phân loại. Việc thiếu một khái niệm cụ thể để vừa định nghĩa rõ ràng về Etherreum nhưng lại phù hợp với những hiểu biết trước đây là vấn đề cần phải giải quyết.
Sự mơ hồ trong việc quy định cũng tạo ra một thách thức phức tạp cho Ethereum, nhưng nó không làm giảm tính cấp bách của việc giải quyết vấn đề. Sự tiến bộ của lĩnh vực tiền điện tử sẽ cần dựa vào “các định nghĩa pháp lý rõ ràng” cho các token Layer 1 (L1) như Ethereum, để chúng đồng thời hoạt động như các phương tiện trao đổi hàng ngày và là tài sản đầu tư trong các hệ sinh thái tương ứng của chúng. Sự mơ hồ đó đặt ra một rào cản đáng kể, làm trì hoãn tiến trình phát triển và tạo ra sự không chắc chắn trong một không gian đầy tiềm năng và đổi mới.
Sự phân đôi vai trò của các loại token như Ethereum càng làm gia tăng ranh giới với các loại tài sản thông thường, buộc chúng ta phải đối mặt với những bất cập trong cấu trúc pháp lý hiện có. Để thúc đẩy lĩnh vực tiền điện tử phát triển, các nhà quản lý phải nhận thức và đối phó với hiện trạng phức tạp này. Sự mơ hồ về quy định được cho sẽ tiếp tục bao trùm toàn ngành và cản trở việc áp dụng rộng rãi, cho đến khi có một khung pháp lý hoàn thiện xuất hiện để nắm bắt chính xác chức năng kép của các token L1. Không gian tiền điện tử độc đáo cũng đòi hỏi những quy tắc độc đáo để có thể tóm lược tính linh hoạt và phức tạp của nó.
Những hành động cần thực hiện
Để tiến tới việc quy định tiền điện tử toàn diện, có hai rào cản đáng kể cần được giải quyết ngay nhằm đảm bảo sự phát triển có trách nhiệm.
Đầu tiên SEC phải đưa ra quan điểm chính thức về Ethereum. Với việc SEC không hành động nhằm kiềm chế sự phát triển của Ethereum đã vô tình tạo ra một môi trường pháp lý mơ hồ khiến các nhà đầu tư bị bỏ lại. SEC với tư cách là cơ quan bảo vệ của nhà đầu tư, có nghĩa vụ phải cung cấp các hướng dẫn quy định cho dù là tạm thời, để tạo ra một điểm khởi đầu cơ bản và loại bỏ tình trạng đầu cơ hiện tại. Sự thiếu rõ ràng trong việc ban hành các quy định không chỉ là một trở ngại, nó còn cho thấy sự thất bại của các nhà quản lý trong việc cung cấp các biện pháp bảo vệ cần thiết cho những người tham gia trong một thị trường ngày càng ngày trở nên quan trọng.
Cuối cùng là sự cần thiết của các cuộc thảo luận công khai và cởi mở về bản chất của tài sản số. Có nghĩa là các cuộc tranh luận không định kiến, thành kiến, không có chủ nghĩa cá nhân hoặc các lời hoa mỹ không cần thiết. Chúng ta thường nói về việc “cần thảo luận”, tuy nhiên từ lời nói đến thực tế là rất khác nhau. Tất cả người dùng tham gia vào lĩnh vực tiền mã hoá sẽ được hưởng lợi nếu các cuộc thảo thuận nghiêm túc và cởi mởi diễn ra thật sự.
Theo Cryptoslate