1. Thanh toán xuyên biên giới qua blockchain là gì?
Thanh toán xuyên biên giới là hoạt động cần thiết cho các cá nhân, thương nhân, doanh nghiệp, và các tổ chức quốc tế trên thế giới. Việc sử dụng blockchain trong thanh toán xuyên biên giới làm cho quy trình đơn giản và liền mạch hơn.
Với sự phát triển của công nghệ blockchain và tài chính phi tập trung (DeFi), nhu cầu thanh toán xuyên biên giới trong hệ sinh thái Web3 ngày càng tăng khi nhiều người và doanh nghiệp tìm cách giao dịch bằng tài sản số.
Thanh toán xuyên biên giới dựa trên blockchain là các giao dịch được thực hiện giữa hai bên ở các quốc gia khác nhau và được tạo điều kiện thông qua việc sử dụng công nghệ blockchain.
Thông thường, các giao dịch thanh toán xuyên biên giới hỗ trợ hoạt bởi ngân hàng và các tổ chức tài chính, thường liên quan đến một mạng lưới trung gian phức tạp. Điều này có thể dẫn đến phí giao dịch cao, thời gian xử lý lâu và thiếu minh bạch trong quá trình thanh toán.
Ngược lại, thanh toán xuyên biên giới dựa trên blockchain nhằm mục đích loại bỏ các trung gian, giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý và tính bảo mật của các giao dịch.
2.Thanh toán xuyên biên giới sử dụng công nghệ blockchain hoạt động như thế nào?
Tận dụng bản chất phi tập trung và sự an toàn mà công nghệ blockchain có sẵn, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa các bên ở các quốc gia sử dụng các loại tiền tệ khác nhau.
Theo truyền thống, chuyển khoản quốc tế được kết nối bởi một mạng lưới ngân hàng đan xen, bao gồm các ngân hàng thương mại, trung tâm thanh toán bù trừ, hiệp hội tín dụng và các tổ chức dịch vụ tài chính khác. Quá trình này thường phức tạp và tốn nhiều thời gian.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) là một mạng lưới được các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống trên khắp thế giới sử dụng để trao đổi thông tin về các giao dịch tài chính nhằm thực hiện các trao đổi một cách an toàn và nhanh chóng. Tuy nhiên, SWIFT vẫn phải đối mặt với những thách thức về chi phí cao, tính minh bạch hạn chế và quyền truy cập bị soát tập trung.
Trong khi đó, các hợp đồng thông minh tự động thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trên blockchain theo các quy tắc được lập trình từ trước. Việc loại bỏ các trung gian giúp các giao dịch trở nên nhanh chóng và có tính minh bạch cao hơn.
3. Ưu điểm của thanh toán xuyên biên giới dựa trên blockchain
Thanh toán xuyên biên giới sử dụng công nghệ blockchain mang lại những lợi thế hấp dẫn như thời gian thanh toán nhanh hơn, tiếp cận các thị trường mới, chi phí thấp, tăng cường bảo mật và minh bạch hơn so với các phương thức thanh toán truyền thống.
- Xử lý trong thời gian thực: Ngày nay, các giao dịch xuyên biên giới dựa trên blockchain chỉ tốn từ 4 – 6 giây để xử lý, hoạt động 24/7 và không qua trung gian.
- Chi phí thấp: Việc loại bỏ các trung gian đã cho phép giảm đáng kể chi phí giao dịch khi thực hiện trên blockchain. Tuy nhiên, phí gas sẽ thay đổi tùy theo cung cầu và động lực thị trường.
- Lưu trữ hồ sơ tự động: Công nghệ sổ cái blockchain cung cấp một cơ sở lưu trữ hồ sơ minh bạch, bất biến và có thể xác minh vì tất cả các giao dịch thanh toán và dữ liệu liên quan đều được tự động ghi chép lại.
- Bảo mật: Với sự hỗ trợ của hợp đồng thông minh, dữ liệu được ủy quyền cho nhiều bên, giúp phát hiện gian lận, cung cấp bảo mật trong các giao dịch xuyên biên giới.
Những lợi thế này giúp không chỉ giúp ích cho các tập đoàn đa quốc gia mà cả các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân tham gia vào thanh toán toàn cầu cũng được hưởng lợi.
Ví dụ: một chủ cửa hàng thời trang nhỏ ở Sri Lanka, muốn gửi tiền cho đối tác thương mại sống ở Canada thông thường sẽ phải tìm tới các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để thực hiện giao dịch, điều này có thể dẫn đến phí cao và thời gian xử lý lâu. Tuy nhiên, nếu cả hai đều có ví tiền mã hóa, họ có thể sử dụng hệ thống thanh toán dựa trên blockchain để chuyển tiền trực tiếp cho nhau.
Giao dịch thanh toán xuyên biên giới sử dụng blockchain có thể được hoàn thành trong vài phút, thay vì vài ngày hoặc vài tuần như chuyển khoản với ngân hàng truyền thống. Chi phí giao dịch cũng được giảm xuống đáng kể so với ngân hàng.
Tuy nhiên do biến động thị trường, tỷ giá hối đoái, tính thanh khoản có thể dẫn đến phí giao dịch tăng cao đột biến.
4. Các phương thức thanh toán xuyên biên giới blockchain
Các giao dịch thanh toán xuyên biên giới dựa trên blockchain có thể bao gồm thanh toán hàng hóa, dịch vụ hoặc các giao dịch tài chính khác thường được thực hiện bằng cách sử dụng tiền mã hóa, stablecoin hoặc có thể là CBDC.
Các mạng chuyên dụng như Ripple và Stellar cung cấp dịch vụ cho các khoản thanh toán tổ chức có giá trị cao một cách mượt mà với những ưu điểm về tốc độ, tự động hóa, giao dịch an toàn và tiếp cận các thị trường mới.
Trong khi đó, thanh toán xuyên biên giới trên blockchain giữa cá nhân và cá nhân là các giao dịch xảy ra giữa các cá nhân ở các quốc gia khác nhau bằng công nghệ blockchain. Các giao dịch này có thể bao gồm việc chuyển tiền cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình, thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ, hoặc các giao dịch tài chính khác.
Các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung và phi tập trung (CEX và DEX) tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch, cho phép dễ dàng truy cập vào sử dụng hệ thống tài chính trong khi tận dụng được các ưu điểm của công nghệ blockchain. Các doanh nghiệp và cá nhân đang dần chuyển sang các lựa chọn thanh toán có sử dụng công nghệ blockchain.
5. Các trường hợp sử dụng thanh toán xuyên biên giới là gì?
Ripple là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực thanh toán toàn cầu có hỗ trợ blockchain. Nhờ đó Ripple cho phép các tổ chức tài chính gửi và nhận tiền bằng các loại tiền tệ khác nhau chỉ trong vài giây, thay vì vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.
XRP, token quản trị của Ripple là tài sản cầu nối để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính quốc tế giữa các loại tiền tệ. Có nghĩa là các quỹ được chuyển đổi thành XRP và sau chuyển sang tiền tệ đích, cho phép thanh toán tức thì, giảm nhu cầu trung gian và sự liên hệ với các ngân hàng.
Stellar là một mạng lưới blockchain phi tập trung và mã nguồn mở khác, cho phép trao đổi các loại tiền mã hoá. Mạng lưới Stellar sử dụng token quản trị được gọi là Lumens (XLM) làm tiền cầu nối để tạo điều kiện cho các giao dịch xuyên biên giới, giúp oại bỏ nhu cầu về các bên trung gian như ngân hàng hoặc các sàn giao dịch tập trung.
Onyx, được JPMorgan ra mắt vào tháng 10/2020, cũng tận dụng công nghệ blockchain để cải thiện các giao dịch thanh toán bán buôn và đem lại hiệu quả, tốc độ và bảo mật cho các dịch vụ tài chính của JPMorgan. Nền tảng này đang phát triển các sản phẩm đột phá dựa trên công nghệ blockchain như Liink và Onyx Digital Assets – để xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới.
6. Thanh toán xuyên biên giới có an toàn không?
Thanh toán xuyên biên giới ứng dụng blockchain được xây dựng trên các nguyên tắc mật mã, công nghệ sổ cái và tính phân cấp mang lại mức độ bảo mật cao.
Việc sử dụng sổ cái phân tán để ghi lại các giao dịch đồng nghĩa với việc những người tham gia trong mạng đều có một bản sao của sổ cái và mỗi giao dịch được xác minh bằng cơ chế đồng thuận trước khi được thêm vào sổ cái. Điều này làm cho việc can thiệp vào dữ liệu hoặc thay đổi các giao dịch trở nên rất khó khăn đối với bất kỳ bên tham gia nào.
Ngoài ra, hầu hết các hệ thống thanh toán dựa trên blockchain cũng sử dụng mã hóa để bảo vệ dữ liệu người dùng và các khóa riêng tư, giúp bổ sung thêm một lớp bảo mật, khiến các tác nhân độc hại khác khó có thể truy cập và đánh cắp các thông tin nhạy cảm.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ hệ thống thanh toán nào, các hệ thống thanh toán dựa trên blockchain không tránh khỏi mọi rủi ro và người dùng nên thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ tài sản, như sử dụng mật khẩu an toàn, xác thực hai yếu tố và đa chữ ký, lưu trữ khóa riêng tư ở nơi an toàn.
PCB Tổng hợp