Thị trường tiền điện tử hiện tại đang rất nóng sau cơn sốt GameFi, và bây giờ là kết hợp cùng Metaverse. Các dự án bắt trend liên tục xuất hiện gần đây, tuy nhiên để đánh giá đâu là dự án tiềm năng và đi đúng xu hướng không phải là dễ.
Metaverse có thể mang lại giá trị gì cho xã hội trong tương lai hay chỉ là một xu hướng sớm nở tối tàn? Đây là chủ đề của Talkshow “Metarevse – Khả thi hay chỉ là viễn tưởng” do Diễn đàn Phổ cập Blockchain tổ chức, cùng sự góp mặt của các khách mời:
– Mr. Trí Phạm – Founder, CEO Whydah
– Mr. Trương Ngọc Duy – CEO Suga Group
– Mr. Lê Mạnh Cương – CEO Mytheria
– Mr. Trần Dinh – CEO AlphaTrue, Admin Diễn đàn Phổ cập Blockchain (host)
Thế nào là Metaverse, và giá trị của nó là gì?
Mở đầu buổi chia sẻ, anh Trí nhận định Metaverse là một khái niệm khá khó hiểu đối với nhiều người. Họ không hiểu về vấn đề này trong khi lại có vô số luồng quan điểm đang diễn ra xung quanh.
Anh Trí cho biết có 4 tính chất cơ bản và quan trọng của một Metaverse đó là:
- “Online – offline conversion” – sự hội tụ của trải nghiệm online và offline.
- “Persistent” – tính liên tục
- “Digital ownership” – quyền sở hữu số.
- “Self-sovereign identity” – tự chủ danh tính.
Anh cũng gợi ý mọi người cùng xem bộ phim “Ready Player One” để có những hình dung cụ thể hơn về thế giới Metaverse.
Anh Lê Mạnh Cương cho rằng việc được sống ở 2 thế giới cùng lúc là rất tuyệt vời. Ngoài ra, giá trị của thế giới Metaverse còn đến từ lợi nhuận.
“Ngoài những giá trị giải trí mà Metaverse đem lại nếu nó còn có thể thu về lợi nhuận cho người dùng, có thể đổi thành tiền và sử dụng trong thế giới offline của họ thì sẽ là một điều hấp dẫn hơn bao giờ hết”, anh Cương cho biết.
Đối với anh Trí, một điều nổi bật mà Metaverse có thể cung cấp cho người dùng đó là “trải nghiệm” hơn tất cả những trải nghiệm mà mọi người có thể có. Bước vào thế giới Metaverse, mọi người có thể làm được những điều mà ở thế giới thực họ không làm được vì lý do địa lý, vật lý hay chỉ đơn giản là những thứ chỉ tồn tại trong Metaverse.
“Hơn nữa, một khi con người có thể lao động trong Metaverse thì chúng ta còn có thể tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội”, anh Trí kết luận.
Anh Trần Dinh bổ sung thêm một vài ví dụ cụ thể về công dụng của Metaverse như mua tài sản.
“Bạn có thể đeo kính VR để mua một miếng đất hoặc căn nhà bên Mỹ, hoặc bạn có thể lao động trong Metaverse, ở Việt Nam nhưng lại có thể lao động cho công ty nào đó bên Mỹ, điều này rất là ý nghĩa và sẽ mở rộng tiềm năng của mỗi người”, anh Trần Dinh chia sẻ.
Khi được hỏi về các dự án Metaverse ngoài thực tế, anh Trương Ngọc Duy cho biết nhiều game đã tạo ra các thế giới, có thể coi là tiền thân của Metaverse.
“Những dự án hiện giờ mới chỉ là tiền thân của Metaverse, ví dụ như Roblox, Minecraft,… những game mà người chơi có thể tạo ra thế giới của riêng họ. Công nghệ hiện tại còn khá giới hạn, nhưng trong tương lai khi những cơ sở hạ tầng như AI, VR, Blockchain phát triển hơn và bổ trợ cho nền tảng Metaverse, từ đó sẽ thúc đẩy quá trình này nhanh hơn”, anh Duy nhận xét.
“Có khá nhiều dự án đang hoạt động trong lĩnh vực này. Nhưng có một khái niệm khá quan trọng ở đây đó là “open Metaverse”. Không phải mỗi một công ty hay mỗi dự án sẽ tạo ra thế giới của riêng họ và gọi đó là Metaverse, mà sẽ tồn tại một Metaverse duy nhất. Đó là một Metaverse mở, thực sự liên kết của các game, ứng dụng và các business với nhau.”, anh Trí bổ sung.
Sự kết hợp của Metaverse và Blockchain có dẫn đến một thế giới hoàn hảo?
Về vấn đề này, anh Cương nói cho rằng Blockchain là một bước không thể thiếu nếu chúng ta muốn trở thành Metaverse.
“Việc sở hữu số sẽ trở thành vấn đề hàng đầu khi mọi người bắt tay vào xây dựng một Metaverse. Nếu chúng ta muốn sở hữu một thứ gì đó trên nền tảng số hay muốn trở nên giàu có trên đó thì phải thông qua nền tảng Blockchain. Blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc xác thực và bảo vệ tài sản số của mọi người, NFT là một minh hoạ cụ thể”. Anh Cương bổ sung.
Theo anh Cương, việc Facebook đổi tên thành “Meta” chính là một lời chào mời tất cả mọi người hãy cùng xây dựng Metaverse và cùng thực sự sở hữu những thứ giá trị trong thế giới này.
Vậy còn IOT và Metaverse có điểm chung gì? Anh Duy cho rằng IOT là “tầng trung gian – nơi chuyển giao những thứ từ thế giới thật sang thế giới số. Cuộc sống thật sẽ được đưa vào thế giới số”.
Một khi các AI được hướng dần về mặt con người thì tới một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ có một bản sao của mình trong thế giới số.
“Càng nhiều công ty, cá nhân tham gia đóng góp vào Metaverse, thì nơi đó sẽ càng đa dạng hơn và nền tảng sẽ đi nhanh hơn”, anh Duy nhận xét.
Liệu Metaverse chỉ là một xu hướng hiện thời hay thực sự là một bước ngoặt của tương lai?
“Metaverse giống như phiên bản nâng cấp tiếp theo của Internet, mọi người tham gia vào thế giới này và trao đổi được mọi thứ, họ sáng tạo được nội dung số và chuyển đổi nó thành tài sản. Mọi thứ được bảo vệ và có giá trị luân chuyển”. Anh Duy nêu quan điểm.
“Lấy ví dụ về những nhân vật game dưới định dạng NFT độc nhất, người dùng đem cho người khác mượn và thu phí. Việc đó sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho người dùng, các tài sản của họ được xác thực, và không ai có thể copy hay tuỳ ý sử dụng tài sản của bạn”, anh Duy kết luận.
Các trang mạng xã hội đang ráo riết tìm cách tăng trải nghiệm của người dùng, đi sâu vào Metaverse. Nền tảng này đẩy trí tưởng tượng của con người lên một tầm cao mới, vậy có phải thế giới hiện tại đã bão hoà và chúng ta cần một cái gì đó mới?
Anh Duy đề cập tới việc chúng ta từng đọc sách ngày trước để hình dung câu chuyện, tưởng tượng ra từng nhân vật, rồi con người làm ra phim 2D, phim 3D,…
Anh cho rằng Metaverse – khái niệm đã tồn tại từ rất lâu này cũng đang đi trên con đường giống như vậy. Một khi điều kiện công nghệ đủ phát triển, mọi thứ sẽ bắt đầu được khởi động.
“Metaverse là một điều tất yếu và quan trọng, đó cũng là lý do tại sao các công ty lớn đang muốn tập trung xây dựng một thế giới như Metaverse”, anh Trí bổ sung.
Trước khi có Internet, danh tính của một người được xây dựng bằng các hoạt động ở ngoài đời thực của chính họ. Sau đó, mạng xã hội xuất hiện, mọi người lại bắt đầu xây dựng danh tính online, cũng dẫn đến một số hệ luỵ không hay như tạo danh tính giả, không đúng với thực tế.
“Còn Metaverse đang phát triển lên tầm thứ ba, nơi người dùng có danh tính chứng minh được online qua những NFT, Avatar thực sự được mua bằng tiền”, anh Trí kết luận.
Anh Dinh chia sẻ về tháp nhu cầu của Maslow và nhận xét rằng Metaverse sẽ thỏa mãn được nhu cầu cao nhất của con người – nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện bản thân.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển Metaverse là gì?
Anh Cương chia sẻ: với các dự án game hãy tập trung vào gameplay, đầu tư vào cốt truyện, câu chuyện và nhân vật mà được cộng đồng yêu thích, mỗi dự án cần thu hút được nhiều người theo dõi, nhiều người yêu mến thì mới có thể phát triển bền vững và lâu dài.
“Mỗi dự án phải mang lại giá trị cho cộng đồng rồi mới đến những vật phẩm quý trong game, ưu tiên chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Sau đó cần một cốt truyện hấp dẫn, xây dựng đằng sau một hệ thống gameplay đặc sắc và có chiều sâu. Đây là những bước đi cốt lõi, phải tính đến đầu tiên”. Anh Cương bổ sung.
Với kinh nghiệm làm việc với một số công ty và tập đoàn lớn tại Việt Nam, anh Trí có lời khuyên: “hãy thay đổi cách nghĩ, nghĩ “số hoá” trước, sau đó nhìn lại xem công ty, doanh nghiệp mình có những giá trị gì để có thể tăng cường “số hoá”.
Đối với những doanh nghiệp còn giữ lối suy nghĩ cổ hủ thì việc thay đổi và bắt kịp xu hướng là không khả dụng. “Tạo ra giá trị số trước và những giá trị vật lý sẽ đến sau”. Anh Trí kết luận.
Về vấn đề này, anh Duy nói: “Nguồn lực để huy động vốn luôn là vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp Blockchain và Metaverse. Các dự án hãy tận dụng sự hỗ trợ từ phía cộng đồng để tìm kiếm nguồn vốn thay vì huy động tập trung như trước đây”
Anh cho rằng trong tương lai, các doanh nghiệp Metaverse nếu biết cách tận dụng được nguồn lực từ chính cộng đồng của mình, thì điều đó sẽ tạo ra một thế giới có lợi cho tất cả mọi người.
“Các công ty đang có ý định tham gia vào thị trường Blockchain nên hiểu rõ điểm mạnh của dự án mình làm và giữ vững sự kiên định”. Anh Dinh góp ý.
Metaverse liệu có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chúng ta không?
Anh Cương cho biết trên thực tế, thực sự có những người đang cư ngụ ở những khu ổ chuột, nhưng trong game họ lại sống một cuộc sống hào nhoáng hơn. Dù vậy, Metaverse cũng chỉ là một thế giới được tác giả tạo ra để bày tỏ quan điểm của mình.
Trong tương lai gần khi giá VR rẻ hơn để tất cả mọi người có thể chi trả, thì ai cũng có thể vào được game, sống và kiếm tiền trong thế giới Metaverse.
“Mọi thứ sẽ không thay đổi quá nhiều, điểm khác biệt lớn nhất chỉ là chúng ta có thêm một phương tiện để giao lưu và tương tác với cộng đồng”. Anh Cương kết luận.
Đồng quan điểm với anh Cương, anh Trí nói thêm: sự khác biệt trong tính cách của người dùng, có người sẽ tham gia vào Metaverse để trốn tránh cuộc sống thực tại của mình hoàn toàn, có người thì vẫn có thể sinh hoạt một cách lành mạnh.
Từ một góc nhìn khách quan, anh Duy cho rằng: “Metaverse giúp mọi người nâng cao trí tưởng tượng, xây dựng danh tính online để làm động lực quay lại thực tế biến danh tính đó thành sự thật”.
Metaverse còn có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình tiếp thu kiến thức, hỗ trợ mọi người trao đổi, truyền đạt cũng như tương tác lẫn nhau.
Vậy khi nào Metaverse sẽ được thực hiện và quá trình này diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu?
Theo anh Duy, hiện tại quá trình này đã được bắt đầu nhưng để mọi người có thể thấy được trực quan thế giới đó thì có thể là tương lai 5 năm, 10 năm tiếp tới, thời gian không quá lâu để nó thay đổi toàn bộ xã hội.
Anh Cương cũng đồng ý rằng Metaverse đã thực sự diễn ra, nhưng còn một số nhân tố chưa chín muồi đang cản trở nó ví dụ như sự phát triển của công nghệ.
Mặc dù vậy, có một thứ đang thúc đẩy nó rất mạnh đó chính là đại dịch Covid. Khi Metaverse đã đạt đến một mức nào đó, người ta sẽ không nghĩ VR là một điều gì quá xa với và bất tiện nữa.
“Những ông lớn như Google và Facebook sẽ dần đầu công nghệ về các giải pháp để biến Metaverse thành sự thực”, anh Cương kết luận.
Kim Chi